Bí quyết chăm sóc răng một cách hiệu quả để không phải đến gặp bác sĩ nha khoa. Khi tạo thói quen chăm sóc răng miệng cho cả nhà, bạn sẽ giúp cho những người mình yêu thương phòng tránh được rất nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Bạn có thể chăm sóc răng miệng cho cả nhà bằng 10 bí quyết đơn giản dưới đây:
1. Bắt đầu vệ sinh răng từ nhỏ
Mặc dù đã có bước tiến dài trong việc bảo vệ răng khỏi sâu, nhưng tỷ lệ sâu răng ở trẻ em vẫn còn cao. Khoảng 1 trong 4 trẻ có các triệu chứng của sâu răng khi bắt đầu đến trường, một nửa số trẻ từ 12–15 tuổi có các lỗ sâu trên răng.
Vì thế, chăm sóc răng miệng cần được bắt đầu sớm ngay từ khi chiếc răng đầu tiên mọc lên ở trẻ, thường là vào 6 tháng tuổi. Bạn có thể giúp trẻ đánh răng bằng bàn chải thật mềm, hay miếng gạc sạch ẩm. Và khi trẻ được 2 tuổi, bạn có thể để con mình tự đánh răng dưới sự quan sát và hướng dẫn của người lớn.
2. Trám phòng ngừa sâu răng
Răng hàm sẽ mọc vào khoảng 6 tuổi và trám một lớp bảo vệ mỏng trên bề mặt nhai của răng có thể giúp phòng ngừa sâu răng phát triển ở các khe và hố rãnh. Theo Cục quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì các chất trám răng này có thể giảm tỷ lệ sâu răng. Bạn có thể gặp nha sĩ để được tư vấn kỹ hơn về chất trám răng sealant nhé.
Lưu ý sau khi trám răng, bạn nên tránh ăn các loại thực phẩm quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến cho miếng trám dễ bị bong tróc. Bạn nên ăn các loại thức ăn mềm và dễ nhai như súp, cháo và uống các loại nước không có màu để bảo đảm tính thẩm mỹ của răng mới trám.
3. Sử dụng vừa đủ lượng fluor
Chất fluor chính là tiến bộ lớn trong sức khỏe răng miệng giúp tăng cường sự bền vững của men răng và giảm sâu răng. Rất nhiều kem đánh răng và nước súc miệng đều chứa fluor. Tuy nhiên, ở trẻ em nên cẩn thận khi sử dụng quá nhiều fluor, bạn chỉ nên cho kem đánh răng trên bàn chải với kích thước khoảng hạt đậu Hà Lan, vì quá nhiều sẽ khiến răng trẻ có đốm trắng.
Bệnh về nướu và sâu răng là hai vấn đề lớn và thường gặp. Không chỉ với người lớn tuổi mà 3/4 các thanh thiếu niên có nướu bị chảy máu khi đánh răng, vì thế bạn nên:
- Thay đổi bàn chải đánh răng 3–4 lần trong năm
- Đối với bạn niềng răng cần sử dụng bàn chải đặc biệt và các dụng cụ vệ sinh răng khác theo hướng dẫn của nha sĩ
- Người lớn tuổi bị viêm khớp hay các vấn đề sức khỏe khác khiến bạn khó cầm bàn chải đánh răng, có thể dùng bàn chải điện.
5. Súc miệng ngay sau khi ăn
Bên cạnh việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa, súc miệng với nước súc kháng khuẩn có thể giúp bạn ngăn ngừa sâu răng và bệnh về nướu. Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn cũng có thể tăng tiết nước bọt, giúp làm sạch vi khuẩn bám trên răng và trung hòa axit.
6. Mang dụng cụ bảo vệ hàm răng
Thể thao và các hoạt động giải trí có thể gây tổn thương cho răng. Hầu hết các trung tâm thể thao ở trường đều yêu cầu trẻ em mang dụng cụ bảo vệ hàm. Hãy đến gặp nha sĩ để có thể tạo một dụng cụ bảo vệ hàm cho bạn hay bạn có thể mua ở các cửa hàng bán đồ thể thao.
7. Không nên hút thuốc
Thuốc lá làm biến màu răng của bạn và gia tăng các bệnh về nướu cũng như gây ung thư vòm miệng. Vì thế, bạn nên cai thuốc lá và khuyên con không nên hút thuốc.
8. Ăn uống lành mạnh
Dù bạn ở tuổi nào, một chế độ ăn uống lành mạnh luôn có lợi cho sức khỏe răng miệng và nướu của bạn. Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng với thực phẩm tươi sống như ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, trái cây và rau củ, các sản phẩm từ sữa sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bạn. Một số nhà khoa học tin rằng omega-3 trong cá có thể giảm viêm, nên sẽ giảm nguy cơ bệnh về nướu.
9. Tránh xa đồ ngọt
Khi vi khuẩn trong miệng tiêu hóa đường trong thức ăn, chúng sẽ sinh ra acid có thể ăn mòn men răng, khiến răng bạn bị sâu. Những loại nước ngọt, nước trái cây là mối nguy hại cho răng vì mọi người thường có khuynh hướng nhâm nhi các loại nước ngọt làm gia tăng lượng axit trong thời gian dài.
10. Khám nha sĩ định kỳ
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên khám nha sĩ mỗi 6 tháng và thường xuyên hơn nếu bạn có vấn đề về răng nướu. Khi khám nha sĩ, bạn sẽ được cạo vôi răng đồng thời được thăm khám và phát hiện các vấn đề sau:
• Dấu hiệu sớm của ung thư miệng. 9 trên 10 trường hợp ung thư miệng có thể được điều trị nếu phát hiện sớm. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, ung thư sẽ di căn và khó điều trị hơn.
• Mòn răng do nghiến răng khi ngủ. Đây là một rối loạn do căng thẳng hay lo âu. Qua thời gian, răng bạn sẽ bị bào mòn bề mặt nhai, tăng khả năng sau răng.
• Bệnh về nướu. Bệnh nướu gồm nha chu hay viêm nướu là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn tuổi. Không may là khi mọi người phát hiện ra bệnh nha chu thì đều đã quá trễ để chữa trị.
• Tương tác với thuốc. Người lớn tuổi, đặc biệt có nhiều bệnh, là nguy cơ của tình trạng khô miệng. Việc giảm tiết nước bọt có thể là nguy cơ của sâu răng và bệnh nướu. Có khoảng 800 loại thuốc khác nhau gây tình trạng trên, vì thế bạn nên thông báo cho nha sĩ loại thuốc bạn đang dùng để thay đổi thuốc hay sử dụng nước súc miệng tương tự nước bọt.
Với những thói quen và bí quyết đơn giản trên, bạn có thể bảo vệ bản thân và thành viên trong gia đình khỏi các bệnh răng miệng thông thường. Bạn hãy thay đổi từ bây giờ để chăm sóc răng miệng cho cả nhà nhé!
Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.