Thay đổi thời gian áp dụng quy định mới về thủ tục nhập khẩu vật liệu xây dựng

Để tuân thủ theo thông tư về quản lý chất lượng hàng vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đang “than” khó và xin gia hạn thời điểm thi hành.

Đầu tháng 11/2024, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (Thông tư 10), có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024.

Đối tượng áp dụng gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Trong “Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn nhóm 2 phụ lục II” quy định các sản phẩm số 9, từ số 21 đến số 31 bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo phương thức 5 thì mới được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Theo quy định, phương thức 5 là chuyên gia sẽ thực hiện thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Với quy định trên, ý kiến nhiều doanh nghiệp về nhập khẩu hàng hoá vật liệu xây dựng cho rằng, Thông tư 10 quy định hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định nhưng Thông tư lại không có quy định và hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ định các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5.

Trong khi thời điểm có hiệu lực thi hành của Thông tư còn chưa đầy 1 tháng nên doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.

Tại thị trường Việt Nam, danh mục hàng hóa áp dụng theo Thông tư 10 đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện tại đang trong quá trình sản xuất nên khi Thông tư có hiệu lực thì có thể gây tổn thất lớn đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.

Đặc biệt hiện đang vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây sửa nhà cửa đang tăng cao.

Hơn nữa, đại diện một doanh nghiệp cho biết, quy trình trình triển khai chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước.

Đó là từ khâu đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, lập đoàn kiểm định, kiểm tra hồ sơ trực tiếp tại xưởng sản xuất của Nhà cung cấp, chọn mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và đánh giá chất lượng, nên cần rất nhiều thời gian để thực hiện.

Tuy nhiên thời gian có hiệu lực từ 16/12/2024 là quá gấp để đáp ứng quy trình làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan về vấn đề này, ông Lê Nam Hải, Chủ tịch Phân hội – Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam (VIBCA), Chủ tịch Group Vật liệu xây dựng miền Nam, đánh giá cao các quy định của Thông tư 10, giúp tăng cường công tác quản lý hàng hoá vật liệu xây dựng nhập khẩu.

Qua đó sẽ chấn chỉnh hàng hoá trôi nổi, không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, ông Lê Nam Hải cũng nhìn nhận khó khăn của các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng về thời điểm Thông 10 có hiệu lực.

Theo đó, hàng hoá đã được ký kết hợp đồng, thậm chí đang trên đường vận chuyển thì chưa đủ thời gian làm việc với nhà máy của nước sở tại, chưa có giấy kiểm định, từ đó có thể tốn thời gian và chi phí lưu kho, lưu bãi để chờ hoàn thiện thủ tục, sau đó mới được thông quan…

Vì thế, ông Lê Nam Hải cho rằng, các doanh nghiệp có thể xin gia hạn thời gian áp dụng quy định tại Thông tư 10 từ 3-6 tháng. Nhưng việc đáp ứng như thế nào phải chờ ý kiến từ cơ quan quản lý.

Về phía các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực thêm 1 năm đối với Thông tư 10 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tuân thủ theo quy định của Thông tư được hiệu quả nhất.

Bởi các doanh nghiệp còn cho rằng, nếu áp dụng quá gấp có thể dẫn tới sự thiếu hụt và khan hiếm nguồn cung, khiến giá bán sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước tăng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,34% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã tăng 0,11% so với tháng trước.

Theo Báo Hải Quan